Sử dụng ruồi lính đen để xử lý rác thải
Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS) cho rằng sử dụng ruồi lính đen để tái chế nguồn rác thải đó là giải pháp tốt.
Theo thông tin trên Giadinhmoi, ruồi lính đen (Black soldier flies) không phải là những con côn trùng bay vo ve xung quanh thùng rác và làm lây lan vi khuẩn như nhiều người nghĩ. Loài ruồi này sạch và rất hữu ích trong việc xử lý rác thải. Các nhà nghiên cứu ở NUS đang tiến hành chương trình nghiên cứu để đưa ruồi lính đen trở thành “lính tiên phong” trong cuộc chiến làm sạch Singapore.
“Những con ruồi trưởng thành này không mang mầm bệnh, chúng vô hại. Tôi thực sự nghĩ chúng khá là đáng yêu, chắc là chỉ có tôi nghĩ vậy” – Trợ lý giáo sư Nalini Puniamoorthy thuộc Khoa Sinh học NUS cho biết.
Theo như Cơ quan môi trường quốc gia Singapore, có gần 800.000 tấm thực phẩm được ném vào thùng rác ở Singapore trong năm 2016. Con số này đang tiếp tục tăng lên. Phần lớn trong số thực phẩm đó không được tái chế.
Nhóm nghiên cứu của NUS đang tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ hơn về loài ruồi lính đen, đồng thời điều chỉnh loài ruồi này để chúng giúp ích hơn cho những trang trại ở đô thị của Singapore.
“Tự nhiên thường có những giải pháp kỹ thuật tốt nhất” – giáo sư Rudolf Meier, thuộc nhóm nghiên cứu, giải thích vì sao loài ruồi lính đen có thể xử lý vấn đề lãng phí thực phẩm.
“Riêng loài ruồi lính đen không hề ăn gì khi trưởng thành. Tất cả những việc chúng làm là giao phối, đẻ trứng và sau đó ấu trùng của chúng mới tiêu thụ thực phẩm” – giáo sư cho hay.
“Vì vậy bạn chỉ cần một cơ sở nhỏ, nơi bạn nhân giống lũ ruồi và chúng sẽ đẻ trứng. Đó sẽ là một cơ sở an toàn. Sau đó bạn sử dụng số trứng đó để tái chế rác thải. Những con ấu trùng ra đời, chúng ăn rác và sau đó bạn chỉ việc giết chúng” – giáo sư Rudolf Meier giải thích.
“Nghe có vẻ hơi sợ, bạn có thể đưa cho ấu trùng bất cứ thứ gì. Chúng có thể ăn tất cả” – vị giáo sư nói thêm. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là làm cho ruồi lính đen nhân giống thật nhanh và làm tăng lượng ấu trùng.
“Điều mà bạn nghĩ là chúng ta đang can thiệp vào tự nhiên, nhưng thực tế những việc này đang xảy ra trong hệ sinh thái. Không cần thiết phải thay đổi hoàn toàn tự nhiên, chúng ta chỉ cần tinh chỉnh ở một vài điểm” – Puniamoorthy, trợ lý giáo sư tại NUS cho hay.
Cách xa phòng thí nghiệm đầy ắp những chú ruồi “cute” và những ấu trùng có thể “ăn cả thế giới”, thí nghiệm của NUS được tiến hành ở trang trại Citizen – một không gian xanh rộng 7.000 mét vuông.
Trang trại Citizen trồng rất nhiều loại cây xanh nhỏ, hoa, nấm và nuôi một số côn trùng. Đây là một mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” – cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng cao cấp, nơi có mong muốn sử dụng sản phẩm địa phương cho khách hàng Singapore.
Darren Ho, người chủ của trang trại, cho rằng Citizen là một thí nghiệm về trang trại ở đô thị. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều thành phố khác. Phân bón hữu cơ sử dụng ở trang trại này được tạo thành bằng cách sử dụng ấu trùng của ruồi lính đen.
Ông Darren Ho cho biết những thứ thực phẩm bỏ đi của các trang trại khác như hạt ngũ cốc và hạt cà phê sẽ được thu gom, dùng cho ấu trùng ăn. Sau đó, ấu trùng sẽ được nghiền ra và biến thành phân bón.
Ho cho rằng việc sử dụng ruồi lính đen có thể giúp cho Singapore có thể tự cung cấp thực phẩm cho nhu cầu nội địa, từ đó bớt lệ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ nước ngoài.
Nhóm nghiên cứu của NUS đang tìm kiếm các biện pháp để tối ưu hoá các quy trình nông nghiệp xung quanh ruồi lính đen để tạo ra cái mà họ gọi là một hệ thống sản xuất khép kín.
Nghĩa là, thực phẩm thừa sẽ được tái chế, không mất chi phí để phá hủy. Từ nguồn tái chế này, họ sẽ có phân bón để tiếp tục trồng trọt. Nghiên cứu này đặc biệt chú ý đến tính hiệu quả trong một môi trường đô thị hoá cao, nơi thiếu lao động và không gian cho nông nghiệp.